Địa danh “Nà Lữ” có nhiều cách đọc khác nhau, có người đọc chệch là Na Lữ, có khi đọc chệch thành Nà Lự. Hiện nay, người dân vẫn chấp nhận nhiều cách đọc tên thành cổ và bản nay như một thói quen, do đó, văn bản, các bài nghiên cứu cùng chấp nhận nhiều cách đọc khác nhau ấy. Giáo sư Trần Quốc Vượng trong bài viết Cao Bằng dưới cái nhìn dân gian về sự giao hòa văn hóa Tày - Việt có một đoạn viết về thành Nà Lữ và cho rằng thành có tên Tày - Nùng là Nà Lự tên Hán Việt là Nà Lữ.
Theo ông Vương Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh: Tên của thành cổ và bản này là Nà Lữ. Từ này được ghép từ chữ “Nà” của tiếng Tày, Nùng có nghĩa là ruộng và chữ “Lữ” là từ Hán Việt có nghĩa là binh đoàn (lính).
Trước những ý kiến như vậy, chúng tôi tìm hiểu lại nghĩa của tất cả các từ và các cách đọc tên thành cổ và tên bản trong cả từ điển Hán Việt và từ điển Tày - Nùng - Việt và nhận thấy như sau:
Nếu đọc là Nà Lự và cho đây là từ thuộc tiếng Tày, Nùng thì “Nà” có nghĩa là ruộng, còn “Lự” không có trong từ điển Tày, Nùng. Nên chúng tôi nghĩ đén khả năng đọc chệch từ âm “Lự”. Người Tày, Nùng phát âm các dấu thanh nhiều khi bị lẫn nhau. Âm “Lự” có thể là do người dân không phát ấm chuẩn dấu huyền mà ra. Vậy có thể tên Tày, Nùng của thành cổ và ngôi làng là “Nà Lừ” có nghĩa là ruộng con lừa.
Nếu đọc là Nà Lữ và cho đây là từ Hán Việt thì âm “Na” có ý nghĩa sau: (1) thời gian ngắn; nhiều (2) dời động đi nơi khác. Âm “Lữ” có các ý nghĩa cơ bản sau: (1) xương sống; họ Lã, họ Lữ; (2) quán trọ; một binh đoàn lính (gồm 500 lính là một lữ); (3) cái ngưỡng cửa, xà ngang trên cửa, (4) bạn bè. Như vậy để cho từ “Nà Lữ” có nghĩa thì chỉ có ý nghĩa “nhiều” trong ý nghĩa (1) của âm “Na” là kết hợp được với bốn ý nghĩa của âm “Lữ”. Nên “Nà Lữ” có thể có các ý nghĩa sau: (1) nhiều họ Lã (vì ở vùng Hòa An Cao Bằng có họ Lã); (2) nhiều quán trọ; nhiều binh đoàn lính; (3) nhiều cái ngưỡng cửa, nhiều xã ngang trên cửa; (4) nhiều bạn bè.
Xét về thái tu từ của từ Hán Việt, chúng ta có thể nhận ra nghĩa của từ “Nà Lữ” chỉ có thể là (1) nhiều họ Lã; (2) nhiều binh đoàn lính.
Nếu đọc là “Nà Lữ” từ là ghép âm “Nà” của tiếng Tày với âm “Lữ” của từ Hán Việt thì cần có một cách giải thích thỏa đáng từ sự giao hòa văn hóa Tày - Việt ở góc độ ngôn ngữ. Nghiên cứu về vấn đề này là cần có một công trình khoa học công phu và nghiêm túc.
Trong khuôn khổ của một trong luận văn chúng tôi tạm chấp nhận gợi ý của Trần Quốc Vượng về sự giao thoa văn hóa Tày - Việt có cả ở góc độ ngôn ngữ “Điều bất ngờ đối với tôi là dân Nà Lữ đã là người Tày những vẫn dùng khá nhiều từ Việt cổ” (4); để giải thích sự ghép hai âm trong hai ngôn ngữ này. Trong trường hợp này theo chúng tôi “Nà Lữ” có thể có hai nghĩa sau (1) ruộng của người họ Lã sống ở Hòa An; (2) ruộng của binh lính. Mặc dù hiện nay vẫn chấp nhận nhiều cách đọc khác nhau về tên thành cổ và bản này nhưng chúng tôi thấy ý kiến về sự giao hòa văn hóa Tày - Việt có cả ở góc độ ngôn ngữ như gợi ý của Trần Quốc Vượng là rất thỏa đáng. Vì thế, đây có thể là một cơ sở để các cơ quan hành chính Cao Bằng nên thống nhất gọi là bản Nà Lữ và thành Nà Lữ.
Nhiều người còn gọi thành Nà Lữ là thành nhà Mạc. Để hiểu lý do cách gọi này cần tìm về cội nguồn lịch sử.
Năm Giáp Thân (864), Cao Biền đem quân đánh An Nam, vua Đường phong Cao Biền làm Tiết độ sứ, cho đắp thành Đại La bên bờ sông Tô Lịch, cùng lúc đó Cao Biền cho xây ở miền núi phía bắc ba thành lớn nữa: Thành Phục Hòa , thành Nà Lữ thuộc Cao Bằng và thành Lạng Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Thế kỷ XI đời vua Lý Thái Tông, niên hiệu Thông Thụy thứ 6 (1039) thủ lĩnh châu Quảng Nguyên hay châu Thảng Do Nùng Tồn Phúc tự xưng là Chiêu thánh hoàng đế, đổi tên châu Quảng Nguyên thành nước Trường Sinh, Tồn Phúc đã cho quân xây tiếp thành Nà Lữ và lập thêm cung điện có thành bằng đất bao quanh. Cung điện đó sau này chính là đền vua Lê.
Trong kháng chiến chống quân Minh, Bế Khắc Thiệu là một tù trưởng dân tộc Tày, đã liên kết với Nông Đắc Thái ở Nà Gường - Lam Sơn tổ chức đánh giặc. Sau chiến thắng quân Minh, ông cho quân tu sửa thành Nà Lữ và lập cung điện ở đây.
Đến năm 1589, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, Mạc Kính Cung cùng quân lính chiếm thành Nà Lữ làm cố đô. Sau ba đời sinh sống ở Cao Bằng đến thời Mạc Kính Vũ bị quân Lê - Trịnh đánh bại, nhà Mạc bỏ cung điện và thành Nà Lữ chạy sang Trung Quốc.
Như vậy, thành Nà Lữ được xây dựng qua nhiều thời đại khác nhau. Đầu tiên thành được xây bằng đất, sau này Mạc Kính Cung mới cho xây thành bằng gạch nên nhân dân thường quen gọi thành Nà Nữ là thành nhà Mạc.
Nguồn tin: baocaobang.vn/-32152.html
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn